Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử Xã Bình Lương - Huyện Như Xuân - Tỉnh Thanh Hoá

GIỚI THIỆU VỀ XÃ BÌNH LƯƠNG

Đăng lúc: 09:32:58 16/07/2021 (GMT+7)
100%
Print

 

1. Thông tin khái quát

- . Vị trí địa lý: Xã Bình Lương nằm ở phía đông nam của huyện Như Xuân, cách trung tâm huyện hơn 4km. Phía đông giáp xã Tân Bình; phía tây giáp xã Hóa Quỳ và xã Xuân Hòa; phía nam giáp xã Xuân Bình và xã Xuân Thái huyện Như Thanh; phía bắc giáp thị trấn Yên Cát.

- Diện tích: Tổng diện tích tích tự nhiên: 7.182,51ha (đất xã quản lý 2.030,11 ha; BQL rừng Bến En quản lý 5.152,40 ha). Trong đó: Diện tích đất nông nghiệp: 6.749,59ha, Trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 562,36 ha; đất lâm nghiệp 6.104,45ha; đất nuôi trồng thủy sản nước ngọt 82,78ha. Diện tích đất phi nông nghiệp: 391,12ha. Diện tích đất chưa sử dụng: 41,80ha.

 - Lịch sử hình thành: Bình Lương là một vùng đất cổ, vào những năm 1840 gọi là xã Lương Dụ, thuộc tổng Lãng Lăng, châu Như Xuân, lúc bấy giờ chưa có làng, thôn mà chỉ gọi theo cụm dân cư gồm Làng Thướng (Yên Thịnh, Yên Lễ ngày nay) Làng Lườn, Làng Gió, Làng Pheo, Làng Sao, Làng Mài, Làng Lở, Làng Vơn, Làng Chuối (Xuân Quỳ), Làng Khe Bu (nay thuộc xã Thanh Hòa), Làng Đồng Gắm (nay Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ) diện tích Bình Lương lúc bấy giờ khoảng 13.000ha. Khoảng từ năm 1925 đến 1940, xã Lương Dụ do Ông Lê Khắc Tiến làng Thướng làm Lý Trưởng, có các hương mục, hương bạ, hương kiểm và các môn tùy tùng khác.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ hòa bình lập lại trên đất nước ta, đến năm 1958 theo chủ trương của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xã Bình Lương được thành lập. Nghe các cụ truyền lại, Bình Lương là lấy từ Lương của xã Lương Dụ và từ Bình là lấy từ hòa bình, độc lập của nước Việt Nam, có Ủy ban hành chính xã Bình Lương lâm thời.

Đến năm 1963, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về di cư dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới và cấy ghép vào các làng bản. Làng Lườn có các hộ từ xã Hoằng Phúc, Hoằng Hóa; Làng Gió, Đồng Kè có các hộ dân xã Hoằng Quang; Làng Mài có dân xã Hoằng Đức, Hoằng Vinh, Hoằng Quang; Làng Vơn có dân xã Hoằng Thanh, Hoằng Đức lên khai hoang vỡ hóa, đất đai Bình Lương được mở rộng, các làng bản được hình thành thêm và được đặt tên lại một số làng. Làng Mài tách ra thành 3 làng: Làng Mài, làng Ngọc Lý, làng Đức Lương. Làng Vơn thành 2 làng: Làng Vơn và Mai Thắng. Làng Quang Bình thành 2 làng: Làng Đức Bình và Rộc Nái

Các hợp tác xã bắt đầu được thành lập theo chủ trương của Nhà nước, ruộng đất được công hữu đưa vào hợp tác xã quản lý. Khoảng năm 1974,p nhập 4 thôn: Làng Gió, Làng Lườn, Thắng Lộc, Làng Sao thành HTX Bình Phong; Làng Mài, Ngọc Lý, Quang Bình thành HTX Hợp Thành; Làng Vơn, Mai Thắng, Làng Lung, Bình Minh thành HTX Minh Thắng, HTX Đức Bình … Đến năm 1979, do di dân nội vùng tránh nước ngập lòng hồ sông Mực có một số hộ ở Đức Lương, Ngọc Lý, Làng Lung, Rộc Nái, Làng Mài chuyển lên ở Làng Lườn, Làng Gió, Thắng Lộc, các hợp tác xã còn lại được tách ra thành các đội sản xuất gồm HTX Đoàn Kết gồm đội 1 là Làng Lườn, đội 2 là Quang Trung (gồm có 10 hộ Đức Lương chuyển lên và Làng Lườn tách ra), đội 3 là Làng Gió, HTX Hợp Thắng gồm: Đội 1 Thắng Lộc, đội 2 Làng Sao, đội 3 Đồng Cần, đội 1 là Hợp Thành, đội 2 Tân Thành (Làng Mài),

Đến tháng 9 năm 1989, xã Bình Lương tách thành 2 xã là xã Bình Lương và xã Tân Bình. Xã Bình Lương gồm có: 3 Hợp tác xã gồm HTX Đoàn Kết có 3 đội sản xuất, HTX Hợp Thắng có 3 đội, HTX Hợp Thành có 2 đội, Năm 1992, 1993, xóa bỏ HTX xã Bình Lương được thành lập 8 thôn gọi theo bản: Bản 1 Làng Lườn, Bản 2: Quang Trung, Bản 3: Làng Gió, Bản 4: Thắng Lộc, Bản 5: Làng Sao, Bản 6: Đồng Cần, Bản 7: Hợp thành, Bản 8: Tân Thành (Làng Mài).

Đến năm 1997, theo chủ trương của Nhà nước, các thôn đông dân cư 2 thôn được chia tách gồm Làng Lườn - Quang Trung, Làng Gió - Đồng Thổ, Quang Bình và Hợp Thành sáp nhập thành Hợp Thành, thôn Thanh Lương của xã Hóa Quỳ chuyển sang. Bình Lương có 10 thôn: Làng Lườn, Quang Trung, Làng Gió, Đồng Thổ, Thắng Lộc, Đồng Cần, Làng Sao, Thanh Lương, Xuân Lương, Làng Mài.

Năm 2005, thôn Thanh Lương chuyển về Hóa Quỳ. Đến năm 2007, tách thôn Làng Sao thành 2 thôn Làng Sao và Đồng Chèo, xã Bình Lương có 11 thôn: Làng Lườn, Quang Trung, làng Gió, Đồng Thổ, Thắng Lộc, Đồng Cần, làng Sao, Hợp Thành, Xuân Lương, làng Mài, Đồng Chèo

Tháng 8 năm 2018, theo Quyết định 3110/QĐ - UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, xã Bình Lương đã sáp nhập thôn Làng Lườn và thôn Quang Trung để thành lập thôn Quang Trung; sáp nhập thôn Làng Gió và thôn Đồng Thổ để thành lập thôn Làng Gió; sáp nhập thôn Thắng Lộc và thôn Đồng Cần để thành lập thôn Thắng Lộc; sáp nhập thôn Làng Sao và thôn Đồng Chèo để thành lập thôn Làng Sao; sáp nhập thôn Hợp Thành và thôn Xuân Lương để thành lập thôn Hợp Thành. Sau khi sáp nhập xã Bình Lương gồm 6 thôn: Quang Trung, Làng Gió, Thắng Lộc, Làng Sao, Hợp Thành và Làng Mài.

- Giao thông: Xã có tuyến đường Yên Cát - Bình Lương - Tân Bình - Xuân Khang, đoạn qua Bình Lương chiều dài 6km; có 24km giao thông liên thôn.

- Tự nhiên - cảnh quan: Xã Bình Lương có địa hình rất đa dạng và phức tạp, bao quanh xã là những quả đồi thấp bị chia cắt bởi các thung lũng, khe suối nhỏ, thành từng vùng riêng biệt. Dân cư phân bố không tập trung, rải rác theo các thung lũng. Đồi núi là quang cảnh nổi bật, chiếm đến 75% diện tích của xã. Nhân dân sinh sống ven các chân đồi núi thấp và thoải, nối liền vùng cao với đồng bằng và ven trục đường liên xã, liên thôn. Đất đai ở đây chủ yếu là đất Feralit, đất đỏ phong hóa đá vôi, lũ lụt vào mùa mưa, cạn kiệt nhanh vào mùa khô. Điều kiện tự nhiên đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và nền kinh tế của xã. Nhưng Bình Lương cũng có tiềm năng về đồng đất chăn nuôi là một lợi thế lớn cho phát triển các loại cây lâm nghiệp hàng hóa và sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, kết hợp với trồng cây công nghiệp và cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.

Trên địa bàn xã không có sông lớn, chỉ có một số khe suối nhỏ, phần lớn ruộng của xã là bậc thang. Vì vậy, nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu các đồng ruộng chủ yếu là các hồ đập nhỏ trên địa bàn xã và nguồn nước ngầm các chân đồi, núi. Hiện có 27 hồ đập do xã quản lý.

 - Dân cư: Có 3.320 người 730 hộ. Dân tộc Thái 938 khẩu (28,3%); dân tộc Mường 169 khẩu (5,0%), dân tộc Thổ 869 khẩu (26,2%), dân tộc Kinh 1.328 khẩu (40%); Các dân tộc khác 16 khẩu (0,5%).

- Truyền thống cách mạng: Trong các cuộc kháng chiến, xã có 32 Liệt sĩ; 14 thương binh và 9 bệnh binh.

2. Các thôn thuộc xã Bình Lương

* Thôn Quang Trung

Tháng 8 năm 2018, theo Quyết định 3110/QĐ - UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, sáp nhập thôn Làng Lườn và thôn Quang Trung để thành lập thôn Quang Trung.

- Thôn Quang Trung trước đây thuộc làng Lườn, chủ yếu là người dân tộc Thổ, đến năm 1963, làng đón thêm 10 hộ dân tộc Kinh ở Hoằng Phúc - Hoằng Hóa lên định cư sinh sống; từ đây dân cư đông dần, làng Lườn đổi thành thôn Quang Trung. Quang Trung có nghĩa là vùng đất ở vùng trung tâm quang đãng, bằng phẳng.

Khoảng năm 1974, thôn sát nhập với làng Gió, làng Thắng Lộc, làng Sao thành HTX Bình Phong; đến năm 1979, Nhà nước xây đập Bến Mảy, có 11 hộ từ làng Đức Lương di chuyển khỏi khu vực lòng hồ đến thôn Quang Trung. Mọi người cùng nhau khai hoang, vỡ hóa xây dựng làng bản ổn định phát triển. Thời gian này, các thôn Quang Trung, làng Gió hợp nhất thành HTX Đoàn Kết.

Đến năm 1998, Hợp tác xã Đoàn Kết chia tách thành 4 thôn làng Gió, Đồng Thổ, Quang Trung và Làng Lườn. Tên gọi Quang Trung được nhân dân sử dụng làm tên làng chính thức cho đến hiện nay.

Thôn có các đồi: Đồi Mun độ cao ước tính 70m; Đồi Bù Bù cao ước tính 100m; Đồi Lô Cô và Hảm Lô có độ cao ước tính 70m; Đồi Ngọc Đồn có chiều cao khoảng 65m. Các xứ đồng: Đồng Cạn (mùa khô thường bị mất nước nên nhân dân đặt là Đồng Cạn); đồng Sầm Lơi (theo tiếng Thổ là đồng lầy thụt);

- Làng Lườn ra đời khoảng năm 1840. Vào thời kỳ đó có 05 hộ gia đình thuộc dòng họ Lê sinh sống, gồm gia đình ông Lê Khắc Thảo, Lê Khắc Bàn, Lê Khắc Điệp, Lê Khắc Phong, Lê Đình Chung. Tên gọi Làng Lườn cũng do dòng họ Lê thời kỳ này đặt tên. Đến năm 1930, có một số hộ gia đình từ Đoàn Thịnh - Yên Lễ chuyển đến, nâng tổng số hộ lên 11 hộ, gồm 2 dân tộc Thái và Thổ. Đến năm 1963, làng đón thêm 10 hộ ở Hoằng Phúc - Hoằng Hóa lên định cư sinh sống; Năm 1979, Nhà nước xây đập Bến Mảy, nhân dân Đức Lương di chuyển khỏi khu vực lòng hồ, có 11 hộ chuyển về vùng đất thuộc thôn Quang Trung, bà con nhân dân trong thôn đoàn kết cùng nhau khai hoang, vỡ hóa xây dựng bản làng phát triển. Thời gian này, theo Chủ trương của Nhà nước, các thôn: Quang Trung, Làng Gió hợp nhất thành HTX Đoàn Kết. Đến năm 1997, Nhà nước có chính sách chia tách thôn để thuận tiện trong việc quản lý, Hợp tác xã Đoàn Kết chia tách thôn Quang Trung thành 2 thôn Quang Trung và Làng Lườn.

Làng có khe Nắp Nu chảy qua. Khe là nguồn nước chính để tươi tiêu cho đồng ruộng, hoa màu và phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước kia, dọc khe này có nhiều củ nâu, dân trong thôn rủ nhau lấy về để bán, tập kết củ nâu tại khe này nên gọi là khe Nắp Nâu, sau do tiếng địa phương (tiếng Thổ), bà con gọi là khe Nắp Nu. Người dân trong làng canh tác trên các xứ đồng: Đồng Lườn (đồng này có nhiều cây lườn); Đồng Láo (đồng trước kia có nhiều cá lấc láo); Đồng Tén (đồng này trước kia nhiều cây đẽn, theo tiếng Thổ là tén); Đồng Hón (cánh đồng này do ông Hón, người dân tộc Thổ khai hoang, vỡ hóa, sau này dân trong thôn gọi tên cánh đồng theo tên của ông); Đồng Thếnh (đồng lầy lội, khó sản xuất). Làng Lườn có trục đường liên xã, liên huyện đi qua, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế

Diện tích tự nhiên: 366,18ha. Dân cư: 127 hộ, 562 nhân khẩu. Thái 72 khẩu; Mường 19 khẩu; Thổ 151 khẩu; Kinh 315 khẩu; dân tộc khác 5 khẩu.

* Thôn Làng Gió

Tháng 8 năm 2018, theo Quyết định 3110/QĐ - UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, sáp nhập thôn Làng Gió (72 hộ, 307 nhân khẩu, diện tích 187,51ha) và thôn Đồng Thổ (51 hộ, 261 nhân khẩu, diện tích 276,76ha) để thành lập thôn Làng Gió.

- Làng Gió ra đời vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19. Trước đây gọi là làng Xó, theo truyền thuyết cha ông kể lại, có ông quan lang cai quản khu vực này tên là ông Lang Xó. Sau khi ông chết, để ghi nhớ công ơn của người khai đất lập làng, dân làng lấy tên ông làm tên làng. Vào thời kỳ đó có 6 hộ, 2 dòng họ Lê Trọng và Lê Thế sinh sống. Cũng theo tuyền thuyết của các ông bà kể lại, trước thời kỳ 1840 người làng Xó ở phía dưới khu làng Gió bây giờ, có một người bắn được một con nai bạc, đem về làm thịt chia nhau để ăn, có 1 gia đình 2 mẹ con đi làm về thấy có thịt nai được chia treo ở cây thượng lương, vừa lúc đó có người thì thầm mách bảo không được ăn thịt nai trắng, ăn vào sẽ bị chết, nghe nói thế bà vội đi đến các nhà bên cạnh thì mọi người đều đã chết. Bà sợ quá liền dắt người con trai chạy đi sang phía cánh đồng bên làng Gió cổ bây giờ để ở. Sau đó người con trưởng thành lấy vợ sinh ra dòng họ Lê Trọng, tính đến nay đã có đến đời thứ 7. Năm 1985, ở Làng còn 3 cây mít cổ thụ đường kính từ 1,5 - 2m của họ Lê Trọng, và khắp các nơi khe, hãm đều có bờ đập bờ ao đều mang dấu tích của con người khai phá từ lâu đời.

Năm 1963, người Kinh từ xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa lên xây dựng kinh tế mới tại làng. Từ đó, người Kinh gọi trệch đi là làng Gió (Xó). Khoảng năm 1974, thôn sát nhập với làng Thắng Lộc, làng Sao, làng Quang Trung thành HTX Bình Phong. Đến năm 1979, do di dân nội vùng tránh nước ngập lòng hồ sông Mực có 10 hộ ở làng Đức Lương, Ngọc Lý chuyển lên ở cánh đồng Đồng Thổ sát nhập với làng. Từ năm 1980 - 1997, được gọi là đội 3 Hợp tác xã Đoàn Kết. Đến năm 1998, giải thể HTX Đoàn Kết, chia thành 2 thôn: Thôn làng Gió và thôn Đồng Thổ.

- Thôn Đồng Thổ trước đây thuộc làng Gió. Đồng Thổ là gọi theo tên xứ đồng Đồng Thổ. Nơi đây có rất nhiều cây sổ, theo tiếng dân tộc Thổ, Sổ gọi là Thổ vì vậy, bà con gọi là Đồng Thổ.Thôn Đồng Thổ có các xứ đồng: Đồng Thổ (đồng có nhiều cây sổ); đồng Nắp Nha (ruộng nhỏ); Đồng Cố (đồng xa làng); đồng Nậy (đồng lớn).

Diện tích tự nhiên: 804,57ha. Dân cư: 125 hộ, 577 nhân khẩu. Thái 98 khẩu; Mường 8 khẩu; Thổ 181 khẩu; Kinh 290 khẩu; dân tộc khác 0 khẩu.

* Thôn Thắng Lộc

Tháng 8 năm 2018, theo Quyết định 3110/QĐ - UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, sáp nhập thôn Thắng Lộc và thôn Đồng Cần để thành lập thôn Thắng Lộc.

- Thôn Thắng Lộc hình thành từ lâu đời, trước đây gọi theo tiếng dân tộc Thổ là làng Pheo. Vào khoảng thế kỷ XV có một người tên là Lê Đình Dếnh xuất thân từ làng Tùng Thiện, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống tránh sự truy lùng của giặc Minh, ông đã cùng vợ con lên đây dựng lều vỡ hoang sinh sống, Do nơi đây có nhiều lau lách, cỏ pheo nên ông đặt tên là Đồng Pheo. Tên Đồng Pheo (làng Pheo) đã có trong bản đồ Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc.

Năm 1945, làng Pheo đón thêm ông Lương Văn Tỵ, tên thường gọi là ông Đoàn Hành (dân tộc Thái) quê ở Bát Mọt, Thường Xuân, ông Hành là anh em của ông Lương Văn Hiền ở Mai Thắng (Tân Bình hiện nay) ông Hiền giao các xứ đồng: Đồng Bảnh, Đồng Lộn, Đồng Dinh, Đồng Tăn để ông chiêu quân, lập điền làm ăn. Lúc này 2 nhóm dân tộc Thổ và dân tộc Thái thống nhất thành lập làng vừa giúp đỡ nhau lúc khó khăn vừa chống lại các thế lực thù địch. Gọi là làng Thắng Lộc với ý nghĩa là một vùng đất núi rừng bao la chim thú, cá tôm đa dạng gọi là Lộc, còn Thắng là kiên quyết làm cho thắng lợi. Theo thời gian có thêm các dòng họ khác đến khai hoang vỡ đất làng xóm ngày càng thêm đông đúc.

Làng Thắng Lộc còn được người Thái gọi là bản Mống Mếnh, do nơi đây có hiện tượng di dân tự do, ai thích thì ở, giống như một chiếc cầu ván bồng bềnh, ai vững chân thì bước, không vững thì bị lật (Mổng Mếnh).

Thời kỳ năm 1989 đến 1990, Nhà nước có chủ trương hợp nhất thôn Làng Sao và thôn Thắng Lộc, Đồng Cần thành hợp tác xã Hợp Thắng. Năm 1993, Hợp tác xã Hợp Thắng giải thể, thôn lấy theo tên gọi cũ là Thắng Lộc.

Hòa bình lập lại, làng Thắng Lộc xây dựng HTX nông nghiệp rồi liên hợp 4 thôn: Quang Trung, Thắng Lộc, làng Sao, làng Gió thành HTX Bình Phong. Thời gian sau thành lập HTX Hợp Thắng gồm 3 thôn: Đồng Cần, Thắng Lộc, làng Sao. Năm 1993, giải thể Hợp tác xã, Thôn Thắng Lộc lại lấy theo tên gọi ban đầu.

- Vùng đất thôn Đồng Cần bây giờ xưa kia là mảnh đất hoang hóa, không có người ở. Đến năm 1979, do ngập nước lòng hồ sông Mực nên có 11 hộ với 59 nhân khẩu từ Đức Lương di dân lên khu vực Đồng Cần để khai hoang sinh sống. Tên gọi Đồng Cần bắt nguồn từ tên gọi cánh Đồng Cần do ông Lê Khắc Yến người làng Sao đến khai hoang, vỡ hóa và đặt tên, khi ông đến khai hoang làm ruộng thấy khu vực này nhiều cây cần nên gọi là Đồng Cần. Thời kỳ 1979 - 1993, thôn có tên là Đội III, thuộc Hợp tác xã Hợp Thắng, gồm 3 Đội: Đội I là thôn Thắng Lộc, Đội II là làng Sao, Đội III là thôn Đồng Cần. Năm1993, giải thể hợp tác xã Hợp Thắng, gọi là thôn Đồng Cần.

Người dân Đồng Cần canh tác trên các xứ đồng: Đồng Vó (ngày xưa, ở đồng này có nhiều cây gọng vó, là loại cây có quả, có gai ăn được); đồng Dốc Trực (đồng này nằm ở khu vực Dốc Trực giáp ranh với xã Tân Bình); đồng Cần (đồng này ngày xưa có nhiều cây cần, do ông Lê Khắc Yến đặt); đồng U (đồng này có nhiều cây u); đồng Sắn (trước cánh đồng này trồng nhiều sắn); đồng Hón Cạn (đồng này hay bị cạn nước vào mùa khô); đồng Bái Gỗ (trước kia người ta khai thác gỗ và tập kết tại cánh đồng này).

Diện tích tự nhiên: 373,57ha. Dân cư: 133 hộ, 570 nhân khẩu. Thái 109 khẩu; Mường 45 khẩu; Thổ 248 khẩu; Kinh 164 khẩu; dân tộc khác 4 khẩu.

* Thôn Làng Sao

Tháng 8 năm 2018, theo Quyết định 3110/QĐ - UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, sáp nhập thôn Làng Sao và thôn Đồng Chèo để thành lập thôn Làng Sao.

 - Làng Sao ra đời vào khoảng năm 1840 của thế kỷ XIX. Thời kỳ đó có 1 hộ gia đình thuộc dòng họ Lê Khắc sinh sống, là gia đình ông Lê Khắc Đức, di cư từ xã Yên Lễ sang. Đặt tên là làng Sao vì khi khai hoang mảnh đất này, ông Lê Khắc Đức nhận thấy ở xứ đồng có nhiều cây Sao (để lấy sợi dệt vải).

Trước năm 1963, trong làng chỉ 6 hộ gia đình người Thổ, thuộc dòng họ Lê Khắc sinh sống. Đến năm 1963, làng đón thêm 12 hộ người Kinh ở Hoằng Quang - Hoằng Hóa lên xây dựng vùng kinh tế mới, tên làng vẫn giữ nguyên tên gọi là Làng Sao.

Khoảng năm 1974, làng Sao sáp nhập với làng Gió, Quang Trung, Thắng lộc, thành HTX Bình Phong. Năm 1979, giải thể HTX Bình Phong, thôn sáp nhập với thôn Thắng Lộc, Đồng Cần thành HTX Hợp Thắng. Đến năm 1997, Hợp tác xã Hợp Thắng chia tách thành 2 thôn Thắng Lộc và Làng Sao.

- Thôn Đồng Chèo trước đây là làng Phai. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước kia có một nhóm người đến khai hoang vỡ ruộng, đặt tên là làng Phai. Thôn Đồng Chèo chính thức được thành lập ngày 04 tháng 7 năm 2007, gồm 1 phần vùng đất thuộc thôn làng Sao và một phần vùng đất thuộc thôn Đồng Chèo, tên làng là gọi theo tên cánh Đồng Chèo, bắt nguồn từ cư dân ở Đức Lương, họ phải trèo dốc Bươn lên cánh đồng trên đỉnh dốc để làm ruộng nên gọi là Đồng Chèo.

Thôn có các xứ đồng: Đồng Mý (ngày xưa ở cánh đồng này có nhiều cây Trám Trí, gọi theo tên dân tộc Thổ là đồng Mý); đồng Ao Ổi (ngày xưa đồng này có nhiều cây ổi); đồng Nam Ngán (đồng cách xa khu dân cư và lầy lội, nằm ở phía nam của thôn, nhân dân ngao ngán khi canh tác nên gọi là đồng Nam Ngán); đồng Chèo (Trèo lên dốc để làm đồng); đồng U (đồng này có nhiều cây u); đồng Sắn (trước cánh đồng này trồng nhiều sắn); đồng Nắc Lẻ (theo tiếng Thổ ruộng 1 con là Nắc Lẽ); đồng Trằn (có nhiều cây trằn); đồng Khoang Giang (có nhiều cây giang):

Diện tích tự nhiên: 1.143,45ha. Dân cư: 106 hộ, 484 nhân khẩu. Thái 93 khẩu; Mường 31 khẩu; Thổ 231 khẩu; Kinh 125 khẩu; dân tộc khác 4 khẩu.

* Thôn Hợp Thành

Tháng 8 năm 2018, theo Quyết định 3110/QĐ - UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, sáp nhập thôn Hợp Thành và thôn Xuân Lương để thành lập thôn Hợp Thành

 - Thôn Hợp Thành trước đây là bản Sọng, làng Kiên Trì, ra đời vào khoảng năm 1920, lúc bây giờ chỉ có 6 hộ gia đình dân tộc Thái thuộc họ Cầm sinh sống, do ông Cầm Bá Yên làm trưởng họ; gọi là bản Sọng, bản tọa lạc trên cánh đồng Lũng Phát, đồng Trạc, Đồng Bưởi. Sau này đổi thành làng Kiên Trì. Theo người già kể lại, trước đây giao thông đi lại khó khăn, nhưng nhân dân vẫn trụ lại để làm ăn, sinh sống, nên dân bản đã đặt tên là làng Kiên Trì.

Đến năm 1963, theo tiếng gọi của Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới, dân Hong Quang chuyển đến 11 hộ, làng đổi thành thôn Quang Bình (Quang tức là Hoằng Quang; Bình tức là Bình Lương). Đến năm 1975, làng Quang Bình cùng các thôn Đức Lương, Ngọc Lý, làng Mài tổ chức thành HTX Hợp Thành. Năm 1998, HTX Hợp Thành chia tách thành 2 thôn: Hợp Thành và làng Mài. Đến năm 2005, thôn Hợp Thành lại chia tách thành 2 thôn: Hợp Thành và Xuân Lương..

Thôn Hợp Thành có Khe Đá Trắng và khe Gốc Lát là nguồn cung cấp nước chính tạo thành các cánh đồng lúa và tưới tiêu cho ruộng đồng, hoa màu. Khe có nhiều viên sỏi trắng nên gọi là khe Đá Trắng, Xưa kia, người dân tộc Thái nơi đây gọi là Khe Chại Lặc. Khe Gốc Lát bắt nguồn từ xã Hóa Quỳ chảy xuôi về Hợp Thành dài khoảng 3km, sau đổ ra đập Ao Vàng, là nguồn nước chính cung cấp cho đập Ao Vàng, tạo ra hệ thống kênh mương tưới tiêu cho các xứ đồng tại 2 thôn Hợp Thành và Xuân Lương. Hiện nay, dân làng Hợp Thành canh tác chủ yếu trên cánh đồng Ao Vàng (trước kia, ở đây có nhiều rùa vàng).

- Thôn Xuân Lương thuộc vùng đất cổ của làng Kiên Trì, sau thuộc làng Hợp Thành. Lịch sử vùng đất Xuân Lương giống thôn Hợp Thành, cho đến năm 2005, thôn mới được chia tách từ thôn Hợp Thành và gọi là Xuân Lương. Theo các cụ trong thôn, tên thôn được lấy một phần tên của huyện Như Xuân (Xuân) và xã Bình Lương (Lương) thành thôn Xuân Lương.

Thôn có 3 suối nhỏ cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con, gồm: Khe Nước Ấm, có chiều dài chảy qua thôn là 1km. Khe bắt nguồn từ Đồng Bàn (Đồng Chèo), chảy xuôi về Hợp Thành chảy qua địa bàn thôn Xuân Lương đổ ra Sông Mực thuộc Vườn quốc gia Bến En. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trong khi các con suối khác bắt nguồn từ các hang núi nước rất lạnh, nhưng khe này nước lại ấm hơn bình thường, chính vì vậy dân trong thôn gọi là khe Nước Ấm. Khe là nguồn cung cấp nước chính tạo thành các cánh đồng lúa và tươi tiêu cho ruộng đồng, hoa màu. Các xứ đồng: đồng Ao Vàng (trước kia, ở đây có nhiều rùa vàng) và đồng Ao Chạc (đồng này không có cây lớn mà chủ yếu có nhiều lùm dây leo, theo tiếng Thổ gọi dây là Chạc).

Diện tích tự nhiên: 2.698,89ha. Dân cư: 144 hộ, 668 nhân khẩu. Thái 193 khẩu; Mường 33 khẩu; Thổ 42 khẩu; Kinh 398 khẩu; dân tộc khác 2 khẩu.

* Thôn Làng Mài

 Thôn làng Mài nằm ở vùng giáp ranh với Vườn quốc gia Bến En, cách trung tâm xã 10 km về phía nam của xã Bình Lương. Làng Mài hình thành vào cuối thế kỷ XIX, lúc bấy giờ có 4 hộ thuộc 2 dòng họ Lương và Hà đến khai hoang ở hai khu, khu trên là họ Hà; khu dưới họ Lương. Đến đầu thế kỷ XX, thấy nơi đây rau quả, măng nứa nhiều dễ, kiếm sống, nhiều người từ các vùng Cát Vân, Thường Xuân, Mậu Lâm chuyển đến khu trên 8 hộ và khu dưới 6 hộ và cùng thời gian này có nhiều hộ ở Quảng Xương, Nông Cống cũng đến vùng đất này dựng lán đào củ mài đem về quê để chống đói. Dân cư ngày một đông, hai chòm hợp lại và bầu ông Hà Văn Ấn làm ông Lý (Lý Trưởng) và ông Lương Văn Hương (gọi là ông Hương Ếm) quản lí bản làng. Họ đã đặt tên là làng Mài vì dân của làng đến đào củ mài kiếm sống mà lập nên làng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đến năm 1960, làng Mài sáp nhập với thôn Đức Lương thành HTX Hợp Nhất; Năm 1977, làng Mài cùng với Đức Lương, Ngọc Lý, Quang Bình thành Hợp tác xã Hợp Thành. Năm 1979, do xây đập Bến Mảy, nước ngập lòng hồ, dân của thôn Ngọc Lý và Đức Lương phải di chuyển, còn lại 2 thôn Quang Bình và làng Mài vẫn lấy tên HTX Hợp Thành. Đến năm 1988, giải thể Hợp tác xã, thôn Hợp Thành chia thành 2 thôn Hợp Thành và làng Mài. Khi chia tách, làng Mài gọi là Tân Thành (có nghĩa là thôn mới từ thôn Hợp Thành). Năm 2000, thôn Tân Thành lấy theo tên gọi cũ là làng Mài cho đến nay.

Làng Mài có Huối Phá, chảy qua khoảng 3 km. Huối Phá có nghĩa là suối đá vôi (theo tiếng Thái). Người dân đã tận dụng suối này đắp đập làm kênh mương tưới tiêu cho hoa màu, đồng ruộng. Thôn có các xứ đồng: Đồng Đập (đồng gần đập nước); đồng Ông Băng (đồng cạnh nhà ông Hà Công Băng); đồng làng Mài (gọi theo tên Làng); đồng Ngọc Bến En (phải đi qua cánh đồng này mới đến được vườn Quốc gia Bến En); đồng Cháy (đồng hay bị khô hạn, nứt nẻ); đồng Trống Đồng (ngày xưa có đền thờ trống đồng).

Diện tích tự nhiên: 1.795,85ha. Dân cư: Có 98 hộ, 459 khẩu. Thái 373 khẩu; Mường 33 khẩu; Thổ 16 khẩu; Kinh 36 khẩu; dân tộc khác 1 khẩu.

 

Lê Đức Tuấn: Tổng hợp theo Dư địa chí huyện Như Xuân, cập nhật số liệu đến tháng 6/2021

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289